Nâng cao hiệu quả tổng hợp, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri - từ thực tế của HĐND cấp huyện tỉnh Kon Tum

Bài 3: Cơ sở đánh giá tiến độ tham mưu, giải quyết

- Thứ Tư, 08/05/2024, 07:52 - Chia sẻ

Sau khi tổng hợp, rà soát, chuyển nội dung cử tri kiến nghị đến UBND huyện, Thường trực HĐND huyện Đăk Hà, Kon Tum chỉ đạo các Ban, Tổ đại biểu HĐND huyện giám sát, theo dõi, đôn đốc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức. Thường trực HĐND huyện yêu cầu UBND huyện, các cơ quan chuyên môn của UBND và UBND xã, thị trấn khi gửi báo cáo kết quả tham mưu trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đến UBND huyện đồng thời gửi đến Thường trực HĐND huyện, làm cơ sở đánh giá tiến độ tham mưu, giải quyết của các phòng, ban, địa phương.

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện

Trong tổng hợp ý kiến cử tri, Thường trực HĐND huyện Đăk Hà chú trọng phản ánh đúng tiếng nói của người dân gắn với phân loại kiến nghị theo từng nhóm lĩnh vực, vấn đề cụ thể. Trường hợp cần thiết, tổ chức khảo sát, đi thực tế, gặp gỡ cử tri để nội dung tổng hợp được chặt chẽ, sát đúng, thuận lợi cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện Đăk Hà TXCT các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trước Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 7 HĐND huyện - ẢNH TL
Tổ đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện Đăk Hà TXCT các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trước Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 7 HĐND huyện. Ảnh: TL

Sau khi tổng hợp, rà soát, phân tích và chuyển nội dung cử tri kiến nghị đến UBND huyện, Thường trực HĐND huyện chỉ đạo các Ban, Tổ đại biểu HĐND huyện giám sát, theo dõi, đôn đốc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình như: Tổ chức giám sát chuyên đề; xem xét báo cáo của UBND huyện; gợi ý để đại biểu HĐND huyện thảo luận, lựa chọn vấn đề được nhiều cử tri, Nhân dân quan tâm chất vấn trực tiếp tại kỳ họp HĐND huyện hoặc tổ chức phiên họp giải trình của Thường trực HĐND huyện để yêu cầu các cơ quan, đơn vị giải trình, làm rõ.

Quá trình tổ chức giám sát, Thường trực HĐND huyện đã yêu cầu UBND huyện, các cơ quan chuyên môn và UBND xã, thị trấn khi gửi báo cáo kết quả tham mưu trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đến UBND huyện đồng thời gửi đến Thường trực HĐND huyện làm cơ sở đánh giá tiến độ tham mưu, giải quyết của các phòng, ban, địa phương. Báo cáo kết quả giám sát kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND huyện trình tại kỳ họp thường lệ của HĐND huyện nêu rõ kiến nghị đã giải quyết xong; kiến nghị đã trả lời nhưng chưa giải quyết dứt điểm do khó khăn về nguồn lực, cơ chế; kiến nghị đã trả lời nhưng nội dung chưa bảo đảm, chưa xác định rõ thời gian, lộ trình giải quyết. Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị hướng giải quyết. Các kiến nghị tại báo cáo giám sát được Thường trực HĐND huyện giao các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện, đề nghị báo cáo kết quả với HĐND huyện tại kỳ họp tiếp theo.

Qua giám sát cho thấy, việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri nhìn chung đã đi thẳng vào vấn đề, xác định những nguyên nhân chính dẫn đến bất cập, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện lĩnh vực cử tri quan tâm, đúng quy định của pháp luật. Những kiến nghị chính đáng nhưng chưa có nguồn lực, cơ chế thực hiện đã được UBND huyện đưa vào kế hoạch, phân kỳ xem xét trong thời gian tiếp theo; những kiến nghị phải thực hiện thường xuyên, lâu dài đã có sự quan tâm chỉ đạo khắc phục, giải quyết.

Chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng, xếp loại

Mặc dù Thường trực HĐND huyện Đăk Hà đã có nhiều đổi mới, đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, song thực tế, hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Tổ đại biểu HĐND huyện chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu theo dõi, kiểm tra, đôn đốc; việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri ở một số nội dung còn chậm, trách nhiệm chưa cao, chưa tạo được sự đồng thuận trong cử tri và Nhân dân…

Từ thực tế trên, theo Thường trực HĐND huyện Đăk Hà, cần rà soát, lựa chọn nội dung cử tri kiến nghị để tổ chức giám sát chuyên sâu. Trong đó, chú trọng giám sát những nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đã được UBND và các ngành chức năng trả lời sẽ giải quyết nhưng chưa được thực hiện. Qua giám sát, ngoài những kiến nghị đề nghị các cơ quan, đơn vị giải quyết, trả lời, Thường trực HĐND cần xem xét, lưu ý một số vấn đề có thể điều chỉnh, bổ sung vào nội dung của kỳ họp HĐND hoặc xác định tại một số mục tiêu, chỉ tiêu trong nghị quyết của HĐND. Cùng với đó, phát huy vai trò của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND trong xem xét, đánh giá chất lượng trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các nội dung đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trả lời với cử tri và kịp thời phản ánh, đề xuất Thường trực HĐND có văn bản yêu cầu báo cáo, giải trình đối với những kiến nghị kéo dài chưa được giải quyết, gây bức xúc trong Nhân dân.

Cùng với đó, tăng cường giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện và phối hợp trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri. Xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng, xếp loại hàng năm đối với người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, làm tốt công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cử tri và Nhân dân để lắng nghe, giải đáp kịp thời những phản ánh, kiến nghị.

NGUYỄN NHẬT
#